Anh chị cưới nhau sau 2 năm yêu nhau mặn nồng. Khi yêu, chị cũng phần nào biết được tính khí nóng nảy thất thường của anh, đặc biệt những khi cãi nhau. Có thể với những cặp đôi khác, người làm lành sẽ là anh, nhưng với anh chị, người làm lành luôn là chị. Cũng vì biết anh khó kiềm chế được cơn nóng giận nên chị là người nhường nhịn anh nhiều hơn. Chị luôn quan niệm rằng: “Lùi một bước để tiến ba bước”, bởi sau khi cơn giận đi qua, anh lại trở về với con người rất hiền lành và yêu thương chị hết mực.Ngày cưới, mẹ anh gọi riêng chị vào phòng dặn dò: “Thằng K rất tốt, bình thường thì con cũng thấy nó yêu thương con thế nào rồi đúng không? Vấn đề mẹ muốn nhắc con là những khi nó nổi nóng. Ngay từ nhỏ, mỗi khi bực tức chuyện gì là nó đập phá đồ đạc, bây giờ thi thoảng nó vẫn thế. Con là vợ, con phải nhường nhịn chồng, không lỗ đâu con ạ, đợi nó qua cơn rồi lựa lời khuyên nhủ nó dần. Mẹ không muốn thấy hai đứa cãi nhau, vì những khi đó, nó mất kiểm soát, mẹ sợ không biết chuyện gì xảy ra nữa. Nhưng mẹ tin con biết cách giữ gìn hạnh phúc gia đình. Mẹ tin ở con”. Nghe mẹ chồng nói những lời gan ruột và siết nhẹ tay mình, chị bỗng thấy một trách nhiệm thật nặng nề đang đặt trên vai.
Sau đó, chị cố gắng để gia đình nhỏ không rơi vào cảnh bất hòa. Khi thấy anh nhăn nhó, cáu gắt, chị lập tức im lặng và đi chỗ khác ngay. Vì thế mà sống chung gần 1 năm, anh chị vẫn không một lần cãi nhau. Mẹ chồng chị thấy vậy càng thương con dâu nhiều hơn. Nhiều lúc, bà ôm lấy chị, bảo khâm phục chị lắm khi sống với anh mà vẫn không để xảy ra một lần to tiếng nào.
Còn anh, thấy vợ nhẫn nhịn mình thì ngày càng quá quắt, chẳng xem chị ra gì. Đặc biệt, anh thích thể hiện quyền uy ở những nơi đông người. Vợ chồng đi ăn cưới bạn, trong khi những người chồng khác gắp thức ăn, lột vỏ tôm cho vợ thì chị lại làm thế cho chồng. Anh cứ nâng li với bạn rồi có sẵn thức ăn trong bát mà gắp cho vào miệng. Mọi người khen anh tốt số khi lấy được một người vợ ngoan hiền, lại thương chồng như chị thì anh hất mặt lên mà bảo: “Phải tu mấy kiếp mới gặp được người như anh chứ dễ lắm à?”. Mấy chị cùng bàn nhìn chị với ánh mắt đầy sự thương hại. Còn chị chỉ biết cười trừ, nói bâng quơ anh say nên mới thế thôi cho đỡ ngượng, nhưng trong lòng thì chị buồn da diết.
Những lúc say, anh thường hay bắt bẻ, rồi sai khiến vợ. Đi nhậu với bạn tới 9 giờ đêm về, dù còn tỉnh táo nhưng anh vẫn bắt chị tắm cho anh, rồi lôi những chuyện từ hồi nảo hồi nào ra để nhiếc móc chị. Ba mẹ chồng thấy thương con dâu, lên tiếng trách mắng anh thì anh hùng hổ đáp lại: “Vợ con để con dạy, ba mẹ không phải xía vào!”.
Anh cục mịch đến độ nói chuyện chừng dăm câu, thấy không muốn nói nữa là ngúng ngẩy, tỏ thái độ cáu kỉnh rồi bỏ đi. Chị buồn và tủi thân nhiều lắm. Chị chia sẻ với bạn bè thì họ đều khuyên chị nên li hôn đi, chứ sống cả đời như vậy, làm sao mà chịu nổi. Nhưng chị vẫn còn yêu anh lắm, sao mà bỏ anh được.
Một hôm, anh đi nhậu về. Chị pha sẵn nước tắm cho anh. Anh vào nhà tắm chừng 2 phút thì quay trở ra, đè chị đánh. Chị chẳng biết chuyện gì, chỉ biết ôm đầu mà khóc. Lần đầu tiên, chị thấy ba mẹ chồng chị cầm roi to đánh tới tấp vào anh, vừa đánh vừa mắng chửi. Mẹ chồng chị ôm lấy chị, an ủi. Đợi anh bình tĩnh lại, mẹ anh hỏi vì sao đánh chị, anh nói vì chị pha nước nóng quá, định hại chết anh để lấy chồng mới hay sao? Chị ngậm ngùi thương cho phận mình. Đêm đó, khi anh ngủ say không biết trời đất gì thì chị ngồi thảo đơn ly hôn.
Chưa kịp nộp đơn thì chị lại phát hiện mình có thai. Thương đứa con chưa kịp ra đời không có ba, chị lại xé nát tờ đơn ly hôn, chấp nhận sống tiếp với anh. Chị còn nuôi hi vọng, có con rồi, anh sẽ thay đổi, sẽ yêu thương chị hơn. Khi biết mình có con, anh cũng rất vui mừng. Anh ôm lấy chị, hôn chị thật nhiều. Anh bảo, anh sẽ cố gắng chăm sóc chị thật tốt, để con anh có thể ra đời trong hạnh phúc và sung sướng. Chị mỉm cười vui vẻ, nghĩ đến tương lai đầy sáng lạn phía trước.Anh bớt đi nhậu hơn, dành thời gian để chăm sóc chị hơn. Anh nấu cháo bồ câu cho chị ăn, đưa chị đi khám thai định kì, mua thuốc bổ, pha sữa cho chị uống. Nhưng đó là những khi vợ chồng vui vẻ, còn những lúc có trục trặc gì, anh vẫn như xưa, vẫn hùng hổ, vẫn mắng chị, thậm chí là đòi đánh chị. Chị cũng cáu gắt nhiều hơn. Giờ đây, anh mắng, chị không im lặng nữa mà nói lại. Thậm chí, chị còn gọi chồng là ông, xưng tui, điều mà trước đây chị chưa bao giờ làm. Chính chị cũng không hiểu vì sao mình thay đổi nhiều như thế từ khi mang thai.
Khi thai nhi được 7 tháng, anh đưa chị về nhà ngoại để bà ngoại tiện chăm sóc cho chị hơn. Đêm trước khi đi, 2 người đã cãi nhau lớn về việc anh có xuống nhà ngoại ở lại sau khi chị sinh không? Anh nói anh đi làm, không thể xuống ở lại hoài được vì rất mệt mỏi, vả lại có bà ngoại thì để bà ngoại lo. Chị khóc, tủi thân bảo anh phải xuống, nếu không chị và con sẽ rất buồn, bà ngoại cũng lớn tuổi rồi. Cứ vậy, lời qua tiếng lại cho đến khi mẹ chồng lên tiếng, chị và anh mới chịu thôi.
Chiều hôm sau, khi lên xe, chị tiếp tục nói chuyện đêm qua. Anh to tiếng gắt gỏng, nạt nộ chị. Chị cũng không vừa khi lên tiếng trách mắng chồng. Chị còn lôi cả những chuyện ấm ức trước đây ra nói cho hả dạ. Càng lúc, anh chị càng to tiếng qua lại hơn. Trong cơn nóng giận, anh rồ xe chạy thật nhanh để dằn mặt vợ mà không chú ý đến chiếc xe tải đang lao qua đường.
Anh hốt hoảng cua xe thật gấp để tránh chiếc xe tải trước mặt. Chị ngồi sau, lại ngồi hẳn một bên để tốt cho em bé, nhưng lại không ôm eo anh vì tức giận. Cú quay xe gấp làm chị bị hất văng xuống đường. Chiếc xe tải quá đột ngột nên không phanh kịp…
Anh ngã xuống và kịp nhìn thấy cái giây phút kinh hoàng ấy. Anh hét lên như điên dại và chạy ào đến bên chị. Ôm chị trong tay, anh khóc nấc như một đứa con nít. Vậy là anh đã gián tiếp đẩy vợ con mình đến cái chết. Chỉ vì một phút nóng giận, anh ôm ân hận suốt cả quãng đời còn lại.
Ngày đưa tang chị, ai cũng khóc ròng. Mẹ chồng chị ngất lên ngất xuống. Còn anh, anh như cái xác không hồn, mặc kệ mọi người mắng mỏ, chửi rủa, anh cứ lặng lẽ ngồi ôm tấm hình cưới vợ anh vẫn trân trọng đặt trên bàn làm việc của chị. Bây giờ, anh mới thấu hiểu, nóng giận tai hại như thế nào, nhưng mọi việc đã quá muộn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét